Cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, thẩm định giá có vai trò rất quan trọng phục vụ nhiều mục đích của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân như: xác định giá trị mua bán, đầu tư, xác định giá trị vay vốn… Vậy cách tiếp cận trong thẩm định giá như thế nào và các phương pháp thẩm định giá ra sao?
Cùng PSD Value tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Cách tiếp cận trong Thẩm định giá
Khi thẩm định bất cứ loại tài sản nào, dù áp dụng theo cơ sở giá trị thị trường hay giá trị phi thị trường, đòi hỏi thẩm định viên phải áp dụng một hay nhiều cách tiếp cận thẩm định giá.
Thẩm định giá trên cơ sở giá trị phi thị trường có thể áp dụng những cách tiếp cận tương tự cách tiếp cận thẩm định giá trên cơ sở giá trị thị trường, nhưng bao hàm những mục đích khác việc xác định mức giá ước tính theo giá trị thị trường.
Trong hoạt động thẩm định giá trên thế giới ngày nay có ba cách tiếp cận cơ bản:
– Cách tiếp cận giá bán
– Cách tiếp cận chi phí
– Cách tiếp cận thu nhập
Cách tiếp cận giá bán
Cơ sở giá trị thị trường
Cách tiếp cận so sánh giá bán xem xét giao dịch của các tài sản tương tự hay tài sản thay thế và dữ liệu thị trường, và xác định giá trị ước tính bằng những so sánh liên quan. Thông thường, tài sản thẩm định được so sánh với các tài sản tương tự vừa được chuyển nhượng trên thị trường mở. Giá niêm yết và chào bán cũng có thể được xem xét.
Cơ sở giá trị phi thị trường
Cách tiếp cận thị trường đối với thẩm định giá bất động sản dựa trên cơ sở giá trị phi thị trường thể hiện thông qua việc chủ sở hữu bất động sản có thể trả giá cao hơn cho một bất động sản liền kề.
Trong quá trình áp dụng phương pháp so sánh giao dịch để ước tính mức giá tối đa mà chủ sở hữu sẵn sàng trả cho bất động sản liền kề, thẩm định viên phải đạt được mức giá có thể vượt mức giá trị thị trường và mức giá ước tính này được gọi là giá trị người mua đặc biệt.
Cách tiếp cận chi phí
Cơ sở giá trị thị trường
Cách tiếp cận này xem xét khả năng, thay vì mua một tài sản nhất định trên thị trường, người ta có thể xây dựng hay chế tạo một tài sản khác giống với bản gốc hay có tính hữu dụng tương đương.
Người mua thường không trả cho một tài sản nhiều hơn chi phí để có được tài sản tương ứng, trừ khi do điều kiện thời gian, sự không thuận lợi và rủi ro.
Cơ sở giá trị phi thị trường
Cách tiếp cận này tập trung vào những tài sản cá biệt và có thể không có mức chi phí trên thị trường.
Chi phí thay thế giảm trừ là một ứng dụng của cách tiếp cận chi phí được sử dụng trong đánh giá giá trị của các tài sản chuyên dùng cho mục đích báo cáo tài chính, khi mà các bằng chứng thị trường bị hạn chế và không có sẵn.
Cách tiếp cận thu nhập
Cơ sở giá trị thị trường
Cách tiếp cận này xem xét những dữ liệu về thu nhập và chi phí liên quan đến tài sản thẩm định và ước tính giá trị thông qua quá trình vốn hóa. Vốn hoá liên quan đến thu nhập (thu nhập thuần) và giá trị tài sản được tính bằng cách chuyển hoá khoản thu nhập thuần thành một giá trị ước tính. Quá trình này gọi là vốn hóa thu nhập, có liên hệ trực tiếp đến thu nhập hay tỷ lệ chiết khấu (gọi là tỷ lệ vốn hoá, phản ánh khoản thu hồi trên vốn đầu tư) hay cả thu nhập và tỷ lệ chiết khấu.
Thông thường, nguyên tắc thay thế chỉ ra rằng dòng thu nhập tạo ra khoản thu hồi vốn đầu tư cao nhất tương ứng với một mức rủi ro nhất định sẽ dẫn đến giá trị có nhiều khả năng đạt được nhất của tài sản.
Cơ sở giá trị phi thị trường
Nhà đầu tư có thể áp dụng một mức tỷ suất lợi tức phi thị trường và chỉ có riêng cho nhà đầu tư đó.
Khi áp dụng cách tiếp cận vốn hoá thu nhập để ước tính mức giá mà một nhà đầu tư sẵn sàng trả cho một khoản đầu tư cụ thể dựa trên cơ sở tỷ suất thu hồi dự tính của nhà đầu tư, thì thẩm định viên phải ước tính giá trị đầu tư hay giá trị tài sản hơn là giá trị thị trường.
Phương pháp thẩm định giá
Mỗi tài sản đều có cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá khác nhau, mỗi phương pháp cho ra một mức giá hoặc nhiều mức giá chỉ dẫn. Từ các mức giá chỉ dẫn đó, các thẩm định viên sẽ xem xét, phân tích để tìm gia mức giá ước tính cuối cùng cho tài sản.
Tùy theo cách tiếp cận mà có các phương pháp thẩm định giá tương ứng, gói gọn trong 5 phương pháp chính sau:
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp chi phí
- Phương pháp vốn hóa trực tiếp
- Phương pháp dòng tiền chiết khấu
- Phương pháp thặng dư
Xem thêm: 6 phương pháp thẩm định giá bất động sản
Phương pháp so sánh
Phương pháp so sánh: Là phương pháp thẩm định giá, xác định giá trị của tài sản thẩm định giá dựa trên cơ sở phân tích mức giá của các tài sản so sánh để ước tính, xác định giá trị của tài sản thẩm định giá. Phương pháp so sánh thuộc cách tiếp cận từ thị trường theo Thông tư 126.2015TT-BTC Ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08, 09 và 10 (Ký hiệu: TĐGVN 08).
Cơ sở phương pháp so sánh là giá trị thị trường của tài sản cần thẩm định giá có quan hệ trực tiếp với giá trị của các tài sản tương tự, đã hoặc giao dịch trên thị trường.
Phương pháp so sánh áp dụng đối với tất cả những tài sản (động sản, bất động sản, tài sản hữu hình, tài sản vô hình, tài sản tài chính…) đáp ứng những yêu cầu sau: Có tính đồng nhất cao; Có giao dịch phổ biến trên thị trường; Thị trường ổn định.
Phương pháp chi phí
Thẩm định giá bằng phương pháp chi phí là cách thức xác định giá trị của tài sản thẩm định giá thông qua chi phí tạo ra, hoặc chi phí thay thế một tài sản có chức năng, công dụng giống hệt hoặc tương tự với tài sản thẩm định giá sau khi đã khấu trừ hao, giảm giá tích lũy của tài sản thẩm định giá. Phương pháp chi phí thuộc cách tiếp cận từ chi phí theo Thông tư 126.2015TT-BTC Ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08, 09 và 10 (Ký hiệu: TĐGVN 09).
Phương pháp chi phí áp dụng thẩm định giá những tài sản không có đủ thông tin trên thị trường để áp dụng các cách tiếp cận từ thị trường và cách tiếp cận từ thu nhập. Ngoài ra phương pháp chi phí áp khi các thẩm định viên có dự định tạo ra một tài sản mới hoặc khi thẩm định giá công trình mới được xây dựng hoặ tài sản mới được chế tạo.
Phương pháp vốn hóa trực tiếp
Phương pháp vốn hóa trực tiếp là phương pháp thẩm định giá xác định giá trị của tài sản thẩm định giá dựa trên cơ sở quy đổi dòng thu nhập thuần ổn định hàng năm dự kiến có được từ tài sản về giá trị hiện tại thông qua việc sử dụng vốn hóa phù hợp. Phương pháp này được áp dụng đối với tất cả các tài sản đầu tư. Phương pháp vốn hóa trực tiếp thuộc cách tiếp cận từ thu nhập theo Thông tư 126.2015TT-BTC Ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08, 09 và 10 (Ký hiệu: TĐGVN 10).
Cơ sở phương pháp vốn hóa trực tiếp là giá trị của tài sản bằng giá trị vốn hiện tại của tất cả các lợi ích tương lai có thể nhận được từ tài sản và dựa trên giả thiết sau:
- Thu nhập tương đối ổn định (không đổi hoặc thay đổi theo một tỷ lệ nhất định) trong suốt thời gian sử dụng hữu ích còn lại (được tính bằng tuổi đời kinh tế còn lại) của tài sản hoặc vĩnh viễn.
- Rủi ro của thu nhập có thể có trong tương lai là cố định
Phương pháp dòng tiền chiết khấu
Phương pháp dòng tiền chiết khấu là phương pháp thẩm định giá xác định giá trị của tài sản thẩm định giá dựa trên cơ sở quy đổi các dòng tiền trong tương lai dự kiến có được từ sản sản về giá trị hiện tại thông qua việc sử dụng tỷ suất chiết khấu phù hợp. Phương pháp dòng tiền chiết khấu thuộc cách tiếp cận từ thu nhập theo Thông tư 126.2015TT-BTC Ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08, 09 và 10 (Ký hiệu: TĐGVN 10).
Cơ sở phương pháp dòng tiền chiết khấu là giá trị của tài sản bằng giá trị vốn hiện tại của tất cả các lợi ích tương lai có thể nhận được từ tài sản. Phương pháp dòng tiền chiết khấu được áp dụng trong trường hợp thu nhập từ tài sản biến đổi qua các giai đoạn khác nhau (không ổn định).
Phương pháp dòng tiền chiết khấu ứng dụng trong thực tiễn khi:
- Mức giá chỉ dẫn tìm được phương pháp này cho độ tin cậy cao đối với các tài sản cho thuê hoặc đang phát triển, các doanh nghiệp có lãi, các nghiên cứu khả thi, các tài sản mà giá trị hiện tại phụ thuộc và dòng tiền tương lai nhận được, một khi nhận định đánh giá của thẩm định viên là có cơ sở khoa học.
- Hữu ích đối với các tài sản đầu tư có dòng tiền không thường xuyên và không đều.
- Dùng để kiểm tra đối chứng hoặc thay thế phương pháp khác.
Phương pháp thặng dư
Phương pháp thặng dư là phương pháp thẩm định giá xác định giá trị của bất động sản, có tiềm năng phát triển dựa trên cơ sở lấy giá trị ước tính của phát triển giả định của tài sản (tổng doanh thu phát triển), trừ đi tất cả các chi phí dự kiến phát sinh (bao gồm lợi nhuận nhà đầu tư) để tạo ra sự phát triển đó.
Cơ sở phương pháp thặng dư là giá trị của đất bằng thu nhập từ đất đóng góp trong tổng thể bất động sản đầu tư, quy đổi về hiện tại theo tỷ suất vốn hóa phù hợp.
Phương pháp thặng dư được ứng dụng trong thực tiễn vì tính hữu ích đối với bất động sản có tiềm năng phát triển (đất có thể sử dụng vào mục đích đầu tư); Kiểm tra đối chứng hoặc thay thế phương pháp thẩm định giá đất khác (sử dụng vào mục đích đầu tư).
Tìm hiểu thêm về dịch vụ thẩm định giá của PSD Value
Mọi thông tin về trao đổi chuyên môn, giải đáp thắc mắc, hợp tác, vui lòng liên hệ theo địa chỉ:
—————————————————
CÔNG TY CỔ PHÂN THẨM ĐỊNH GIÁ PSD
Trụ sở chính: 28 khu tập thể XN 492, Tổ 12, Phường Hoàng Liệt, Quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội, Việt Nam
Hotline: 091 678 8558
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!